ASEAN - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á - ra đời đến nay vừa đúng 34 năm, Việt Nam gia nhập tổ chức này vừa đúng 10 năm (28.7.1995 - 28.7.2005). Thời gian chưa nhiều, nhưng ASEAN với diện tích gần 4,5 triệu km2, với gần 550 triệu dân, với GDP đạt gần 700 tỉ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 550 tỉ USD (chiếm 78,5% GDP, bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.000 USD), đã trở thành một đối tác lớn về đầu tư, thương mại của Việt Nam, đồng thời vị thế của Việt Nam trong khu vực này đã được nâng lên rõ rệt.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp của các nước ASEAN vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến nay có 819 dự án, với số vốn đăng ký đạt gần 13 tỉ USD, bằng trên một phần năm tổng số, số vốn thực hiện đạt trên 5,2 tỉ USD. Những nước trong khu vực có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam là Singapore trên 9 tỉ USD, Malaysia trên 1,6 tỉ, Thái Lan gần 1,6 tỉ, Philippines gần 0,3 tỉ, Indonesia trên 250 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN năm 1995 đạt chưa được 1 tỉ USD thì đến năm 2000 đạt trên 2,6 tỉ, năm 2004 đạt gần 3,8 tỉ; 5 tháng đầu năm 2005 tăng tới 46,4%. Những nước nhập khẩu lớn của Việt Nam là Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Những mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN là dầu thô, gạo, điện tử và linh kiện, dệt may, thủy sản, lạc nhân, cà phê, cao su... Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN cũng khá lớn làm cho nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam đối với thị trường này khá cao: nếu năm 2000 nhập khẩu 4.449 triệu USD, nhập siêu 1.830 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu 69,9% thì năm 2004 các chỉ số tương ứng là 7.762 triệu USD, 3.977,6 triệu USD và 105,1%.
Vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN đã nâng lên rõ rệt. Ngoài việc đóng góp về chính trị, ngoại giao..., Việt Nam ngày càng giữ vị trí quan trọng về kinh tế đối với khu vực.
Trong 687 tỉ USD GDP của toàn khu vực hiện nay, Việt Nam đã đóng góp trên 50 tỉ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2004 đã đạt trên 554 USD, cao gần gấp đôi mức 282 USD của năm 1995. Tốc độ tăng GDP của Việt Nam thời kỳ 2001 - 2004 thuộc loại cao nhất khu vực và theo dự đoán của ADP, vị trí đó vẫn còn tiếp tục trong những năm tới, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của ASEAN (năm 2005 là 5,4%, năm 2006 là 5,6%, năm 2007 là 5,9%...). Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2004 của Việt Nam đã đạt trên 320 USD, cao hơn nhiều so với mức của năm 1995 và đã vượt qua mức của Indonesia. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP đã đạt khoảng 60%, đứng thứ 4 khu vực sau Singapore, Malaysia, Brunei, vượt qua Indonesia (đạt 29,3%), Philippines (đạt 45,1%), Thái Lan (đạt 56,1%)... Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam hiện đứng thứ 109 thế giới, cao hơn vị trí 111 của Indonesia - là nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhưng lại có tuổi thọ bình quân và các chỉ số giáo dục thấp hơn Việt Nam.
Đóng góp của Việt Nam vào ASEAN không chỉ là sự đóng góp để nâng quy mô diện tích, quy mô dân số, quy mô GDP, quy mô xuất khẩu; cũng không chỉ là sự góp vào với khu vực về thị trường đầu tư, thị trường tiêu thụ; mà còn là một mô hình khối gồm những nước có chế độ chính trị khác nhau chung sống trong một ngôi nhà chung; còn là cầu nối giữa các nước còn lại của khu vực với Trung Quốc bao la với hơn 1,3 tỉ dân có mức sống còn thấp nên có nhu cầu đầy tiềm năng, lại là nền kinh tế chuyển đổi. Hơn nữa, tới đây khi Việt Nam gia nhập WTO, với vị trí thuận lợi về địa lý, thì Việt Nam còn là điểm đến của đầu tư, hàng hóa, khách du lịch - do dân số đông và có mức sống đang lên - là địa bàn để đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu đi khắp gần 150 nước thành viên WTO.
đang được dịch, vui lòng đợi..
