Nếu trong suốt thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010, chúng ta luôn đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gấp từ 2 lần tăng trưởng GDP trở lên, thì chiến lược 2011-2020 chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%/năm, tức là chỉ bằng 1,5 lần tăng trưởng GDP. Với mục tiêu này và mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu vào năm 2020, việc cấp bách đầu tiên là phải tạo ra các đột phá để tái cấu trúc lại cơ cấu thị trường và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tính bền vững phải đặt lên vị trí hàng đầu.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 ở mức cao, đạt 19%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú và đa dạng. Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2010 đã có 18 nhóm hàng, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 220 nước và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, chính sách phát triển xuất khẩu thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
đang được dịch, vui lòng đợi..