Dù trải qua năm 2014 với nhiều thăng trầm khó quên, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi những phiên giao dịch trong tháng 1 và 2/2015 đã đem lại tia hy vọng cho một năm Ất Mùi đầy khởi sắc. Đồ thị của chỉ số chứng khoán VN Index trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. Hồ Chí Minh và chỉ số HNX Index trên SGDCK Hà Nội đã vẽ những đường đồ thị biểu hiện xu hướng đi lên. Kể từ mức đáy 518,22 điểm từ giữa tháng 12/2014, tính đến cuối tháng 2/2015, VN Index đã tăng hơn 14% và được đánh giá là một trong những chỉ số tăng trưởng tốt trong khu vực và trên thế giới. Liệu quy luật tăng trưởng của những tháng đầu năm có lặp lại trong năm 2015 giống như năm 2014 hay không đang là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư.Hai chỉ số dần tịnh tiến, thanh khoản ổn địnhTTCK Việt Nam hai tháng đầu năm 2015 đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến khá tích cực bằng các hoạt động tích lũy tại nhóm cổ phiếu bluechips và sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đà giảm mạnh của thị trường trong tháng 12/2014 đã khiến giá của cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn và kích thích dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực. Bên cạnh dòng tiền bắt đáy thì những thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh quý IV/2014 lộ diện cũng góp phần thúc đẩy dòng tiền đầu cơ hoạt động trở lại và giúp giao dịch thị trường sôi động. Biến động của giá dầu thế giới tiếp tục ảnh hưởng mạnh lên giao dịch ở nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PGS... và tác động lên giao dịch thị trường. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2015, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm bớt. Cùng với quyết tâm xử lý nợ xấu, một loạt những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) dường như đang mang lại niềm hy vọng cho nhóm cổ phiếu này. Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô đang dần chuyển sáng đã tạo cơ sở để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trở lại với TTCK.
Thực tế diễn biến thị trường cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 05/1/2015 đến ngày 26/01/2015, VN Index tăng mạnh từ 544,5 điểm lên mức 580,6 điểm, HNX Index tăng từ 82,74 điểm lên 87,01 điểm. Sự gia tăng mạnh của các chỉ số trong giai đoạn này được hỗ trợ tích cực bởi diễn biến tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, EIB, ACB, STB, BID… sau một thời gian dài trầm lắng, trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu khác đều lình xình hoặc chỉ tăng nhẹ.
Giai đoạn tiếp theo từ ngày 27/01/2015 đến ngày 03/02/2015, cả VN Index và HNX Index đều có sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng từ cuối tháng 12/2014, trong đó VN Index giảm từ mức 579,3 điểm xuống 557,5 điểm và HNX Index giảm mạnh từ 86,09 điểm xuống 82,56 điểm. Nhịp điều chỉnh này cũng gần như được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi hầu hết các nhà đầu tư thực hiện chốt lời và giảm đòn bẩy tài chính trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Nhóm cổ phiếu dầu khí với đầu tàu là các mã cổ phiếu GAS, PVD, PVS, PVB, PXS… hầu hết đều lình xình đi ngang gần sát với diễn biến của giá dầu. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC, KLF, VHG, FIT, VIX, GTN, HAI, QBS, ITQ… cũng đi ngang trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường vẫn yếu được nhận định là do tác động từ Thông tư 36/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ tháng 2/2015 và dòng tiền cho vay margin của một số công ty chứng khoán (CtyCK) lớn đã rút dần ra khỏi nhóm cổ phiếu này.
Tuy nhiên, sự hưng phấn của nhà đầu tư trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã đem lại luồng sinh khí mới cho TTCK khi VN Index và HNX Index tăng hầu hết trong 13 phiên giao dịch (từ ngày 4/2/2015 đến ngày 27/2/2015). Theo đó, chỉ trong hai tháng đầu năm, chỉ số VN Index đã bứt phá tăng 8,61% từ 545,63 điểm trong phiên cuối tháng 12/2014 lên 592,6 điểm khi kết phiên ngày 27/2/2015. Tương tự, HNX Index cũng tăng 3,36% từ mức 82,98 điểm phiên ngày 31/12/2014 lên 85,77 khi kết phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2015. Thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm, khối lượng giao dịch (KLGD) trên SGDCK Tp. HCM đạt xấp xỉ 3,36 tỷ chứng khoán, tương ứng giá trị giao dịch (GTGD) đạt khoảng 57.288 tỷ đồng. Trên SGDCK Hà Nội, KLGD đạt 1,58 tỷ chứng khoán, tương ứng GTGD là khoảng 20.047 tỷ đồng.
Trong khi dòng vốn trong nước đã được rút ra tương đối nhiều so với năm 2014 thì dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn chảy vào thị trường, đặc biệt là trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đây chính là điều tích cực giúp thị trường duy trì được sự ổn định trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, nhà ĐTNN đã tích cực gom hàng trong hai tháng đầu năm 2015 với khối lượng mua ròng đạt 51,3 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị mua ròng đạt 1.171 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 2, khối nhà ĐTNN bền bỉ mua ròng tới 45,8 triệu chứng
khoán với giá trị mua ròng là hơn 1.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nhà ĐTNN chưa có động thái giải ngân mạnh như đầu năm 2014 nhưng quan điểm đầu tư dài hạn trên TTCK Việt Nam vẫn bền vững nhờ các yếu tố hỗ trợ dài hạn. Đồng thời, rủi ro đầu tư giảm xuống nhờ cán cân thương mại cải thiện, tỷ giá ổn định, khả năng trả nợ nước ngoài tốt, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên sẽ là các yếu tố hỗ trợ tích cực để dòng vốn nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường
Trước diễn biến khá tích cực của TTCK trong hai tháng đầu năm, nhiều nhận định cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong năm 2015. Những kết quả đạt được của TTCK trong năm 2014 được cho là tiền đề tích cực cho đà đi lên của thị trường trong năm 2015. Cơ sở cho những nhận định trên đã được cơ quan quản lý cũng như thành viên thị trường khẳng định tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2015. Tại Hội nghị, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho rằng TTCK sẽ có những hậu thuẫn tốt hơn từ nền tảng vĩ mô ổn định và có sự phục hồi cao hơn trong năm 2015, các yếu tố như lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất thấp và vốn ĐTNN có điều kiện tăng cao nhờ vào các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2015. Trong đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, việc tham gia các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn. Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách tài khóa đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước kỳ vọng sẽ mang đến sức sống mới cho TTCK Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trong những phát biểu của mình tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2015 và buổi họp báo Chính phủ tháng 2/2015 cũng đã một lần nữa khẳng định các giải pháp nhằm thúc đẩy TTCK phát triển trong năm nay và thời gian tới. Theo đó, UBCKNN, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng gắn cổ phần hóa (CPH) với niêm yết; quản lý chặt hơn hoạt động phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng; quy định cụ thể cơ chế nới “room” cho nhà ĐTNN để trình Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc TTCK với nhiều nội dung quan trọng cũng được Thứ trưởng khẳng định sẽ làm rốt ráo trong năm nay.
Đặc biệt, niềm hy vọng của thị trường về sự khởi sắc hơn trong năm 2015 còn được thể hiện ở sự quan tâm của Chính phủ khi SGDCK Hà Nội vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi tại Sở. Tại lễ đánh cồng, Thủ tướng đã nêu rõ ba vấn đề cần thực hiện gấp rút trong năm nay, bao gồm: (i) Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, thể chế theo hướng thông thoáng hơn, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; (ii) Đẩy mạnh triển khai Đề án tái cấu trúc TTCK, nâng cao chất lượng hàng hóa, công khai minh bạch, hợp nhất hai SGDCK để năng động hơn, hiệu quả hơn; (iii) Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thoái vốn, CPH doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Điều được các thành viên thị trường mong đợi nhất là việc Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ việc Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo triển khai kế hoạch CPH gắn với niêm yết trên TTCK, sẽ hỗ trợ sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) nói riêng và TTCK nói chung phát triển. TTCK tốt sẽ thúc đẩy CPH nhanh hơn, và ngược lại CPH sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn, tạo hàng hóa chất lượng cao cho TTCK. Các chuyên gia đánh giá, sự quan tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường thuận lợi cho TTCK phát triển và vững mạnh.
Trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực, lợi ích kép mà TTCK có được đó là vừa hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh vốn được cho là yếu tố nền tảng cho sự phát triển vững chắc của TTCK, vừa thu hút mạnh hơn các nguồn vốn trong và ngoài
đang được dịch, vui lòng đợi..