Một nghiên cứu gần đây tập trung xem xét tác động của giáo dục đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh/thành phố ở Việt Nam thông qua một thước đo trình độ giáo dục của lực lượng lao động, đó là “Số năm đi học bình quân”. Kết quả hồi quy cho thấy “Số năm đi học bình quân” của lực lượng lao động có tác động theo chiều hướng tích cực tới mức GDP và GDP/lao động. Hệ số ước lượng thay đổi trong khoảng 0,10 đến 0,14 đối với GDP hoặc 0,10 đến 0,16 đối với GDP/lao động hàm ý rằng: nếu mọi yếu tố khác không thay đổi, thì sự gia tăng 1% của số năm đi học bình quân sẽ làm mức GDP tăng thêm 0,10 đến 0,14%/năm hoặc GDP/lao động tăng thêm 0,10 đến 0,16%/năm. Ở Việt Nam, trình độ giáo dục trung bình của lực lượng lao động ở hầu hết các tỉnh biến thiên từ 5 tới 9 năm trong giai đoạn 2000-2006, do vậy khi “Số năm đi học bình quân” tăng thêm 1 năm thì có thể dự báo thu nhập đất nước tăng thêm 1,5-2,7%/năm.