Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc cổ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ ngày 28/4/1962. Văn Miếu được xây dựng từ năm Thần Vũ thứ 2, đời Lý Thánh Tông (1070) và đã được dùng làm nơi học tập cho Thái tử Lý Càn Đức. Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), sau khi Thái tử lên nối ngôi là vua Lý Nhân Tông đã cho lập Quốc Tử Giám và chọn các quan có văn học bổ vào để dạy cho các hoàng tử và con các đại thần (nên gọi là Quốc tử).
Nếu kể từ những năm ấy đến nay thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trải qua gần 1000 năm lịch sử. Kiến trúc này xưa được xây dựng ở phía ngoài cửa tây nam hoàng thành Thăng Long, bên Thái hồ, thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay nằm giữa bốn con đường - mặt trước là phố Quốc Tử Giám, phía sau là phố Nguyễn Thái Học, bên trái là phố Văn Miếu và bên phải là phố Tôn Đức Thắng (xưa là phố Hàng Bột) - và được chia làm ba khu vực chính: Văn Hồ, vườn Giám và khu Nội Tự.
Ngoài vườn Giám ra, chúng tôi xin trình bày về hai khu Văn Hồ và Nội Tự vắn tắt như sau:
VĂN HỒ
Trước tứ trụ (nghi môn) của Văn Miếu, bên kia đường Quốc Tử Giám có một cái hồ rộng nhưng đã bị dân chúng lấn chiếm xây nhà nên chỉ còn được trên mười ngàn mét vuông. Ở giữa hồ có một cái gò tên gọi Kim Châu, xưa các tao nhân mặc khách thường lui tới đàm đạo văn chương nên gọi là Văn hồ, nhưng trong dân gian vẫn thường gọi là Hồ Giám.
đang được dịch, vui lòng đợi..
