4.2. Di sản Hán Nôm Nguyễn Nghiễm: những tư liệu lịch sử, địa chí giá trị Ở phương diện Sử học: Từ năm Mậu Dần [1758], sau khi giữ chức Quốc Sử Quán Tổng tài, Nguyễn Nghiễm đã để lại cho đời một số công trình sử học Việt sử bị lãm rất giá trị và được Sử gia Phan Huy Chú khen ngợi là “danh bút”... Tiếc rằng cho đến nay, trước tác ấy không hề thấy xuất hiện. Song, cũng khá may mắn là chính ở Đại Việt sử ký Tiền biên khắc in và công bố vào năm Cảnh Thịnh thứ 8 [1800] đời vua Nguyễn Quang Toản triều Tây Sơn, Hy Tư công được trích tuyển 25 lời bàn, trải dài từ thời Hùng Vương cho đến triềuTrần. Dẫu so với những sử gia được tuyển trích lời bàn trong Đại Việt sử ký Tiền biên như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Ngô Thì Sĩ... thì lời bàn của Nguyễn Nghiễm không nhiều. Tuy vậy, 25 lời bàn ấy rất đúng mực nhưng dứt khoát, nghiêm túc, khách quan khoa học. Tiếp cận các lời bàn của Sử thần Nguyễn Nghiễm được trích dẫn ở Đại Việt sử ký Tiền biên, chúng ta thấy rất rõ tinh thần thượng tôn lịch sử cùng cách nhìn nhận sắc bén, chính xác thể hiện tính cách ngay thẳng chính trực và dám nhìn thẳng vào sự thực lịch sử của vị sử gia trứ danh này. Chẳng hạn, đối với những danh nhân, thời đại, sự kiện lịch sử... lời nhận xét của Xuân Nhạc công thể hiện rất khách quan và chuẩn mực: “史臣阮儼曰:... 徵王以神明之後因民心之怨赫然一怒獎勵同仇義兵所臨遠近響應。嶺外六十五城盡收復於一旦 (Sử thần Nguyễn Nghiễm rằng: ... Trưng Vương là người hậu duệ của những bậc trí tuệ thần minh, nhân lòng dân oán thán, bèn đùng đùng nổi giận, khích lệ dân chúng cùng chung mối thù. Nghĩa binh đến đâu, xa gần đều hưởng ứng. Ngoài ngũ lĩnh có 65 thành đều sớm ngày thu phục.).Ngược lại, nếu cậy thế ỷ quyền, làm trái đạo nghĩa, bại nhân luân... thì dẫu là bậc thiên tử cũng cần phê phán: “史臣阮儼曰: 丁先皇於是無正家之去矣...” (Sử thần Nguyễn Nghiễm nói rằng: Đinh Tiên Hoàng như vậy là bỏ đạo “chính gia” rồi)...Ở Nguyễn Nghiễm, người chép sử cần giữ cho mình bản tính trung dung, khách quan và khen chê rạch ròi. Bởi những gì đã xảy ra, đã qua đi ấy chính là lịch sử. Ghi chép về lịch sử bên cạnh việc nhận định xác đáng, chuẩn mực về sự “đúng – sai” trong các sự kiện, hành vi, hành động, quan niệm của những triều đại trước đây.Về địa chí, trong hệ thống tư liệu địa chí nước ta cho đến cuối thời kỳ Lê Trung Hưng, khi đề cập đến một vùng đất đặc trưng có vị thế quan trọng đối với chính trị quân sự của đất nước như xứ Lạng Sơn thì ít có tư liệu nào đề cập cụ thể, đầy đủ như Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm. Theo những thông tin từ Lạng Sơn Đoàn thành đồ, đây có thể là một tài liệu quân sự, cung cấp những thông tin đầy đủ và bổ ích cho việc tìm hiểu và đối chiếu khi nghiên cứu, tìm hiểu về đất đai, mùa vụ, lương thực, canh tác, sông suối, phong tục tập quán, binh chế, hộ tịch, di tích lịch sử, sứ sự... ở vùng đất Lạng Sơn đương thời.
đang được dịch, vui lòng đợi..