Đánh giá Acer Aspire E1-571 'giá mềm', thời lượng pin tốtAspire E1-571 có cấu hình phần cứng không mạnh nhưng lại "ghi điểm" với thời gian dùng pin khá tốt, đi kèm Windows 8 bản quyền cùng mức giá phù hợp đa số người dùng.Thiết kế Aspire E1-571 không quá chú trọng vào vẻ bề ngoài với kiểu dáng đơn giản, cấu trúc chắc chắn cùng các góc cạnh thân máy bo tròn mang lại cảm giác mỏng gọn hơn. Máy trang bị màn hình LCD 15,6 inch, kích cỡ tương đương những mẫu laptop cùng dòng với các "số đo" 38,2 x 25,3 x 3,3 cm và nặng 2,5 kg nên không quá nặng với người dùng thường xuyên di chuyển.Các phím chức năng được tích hợp vào nhóm phím Fn nên không gian phía trên bàn phím khá thoáng, chỉ có nút nguồn (power) ở cạnh trái. Hệ thống âm thanh cũng được cải tiến tốt hơn với bộ loa 2.0, hỗ trợ công nghệ âm thanh Dolby Advanced Audio ver.2. Âm thanh trong, dễ nghe nhưng vẫn thiên về tần số trung và cao như phần lớn các mẫu laptop khác.Cổng giao tiếp chủ yếu nằm ở cạnh trái, tiện dụng hơn cho người dùng. Do không bị giới hạn về độ mỏng nên E1-571 không chỉ trang bị ổ quang gắn trong mà còn có tích hợp cả ngõ xuất tín hiệu hình ảnh VGA lẫn HDMI. Các cổng giao tiếp thiết bị ngoại vi nằm ở cạnh bên, hỗ trợ đầy đủ những kết nối cần thiết cho nhu cầu người dùng như cổng USB 2.0, bộ đọc thẻ "3 trong 1", kết nối mạng Ethernet Gigabit qua cổng RJ-45 và kết nối không dây Wi-Fi 802.11b/g/n.
Aspire E1-571 trang bị màn hình 15,6 inch công nghệ Active Matrix TFT với độ sáng vừa phải, không gây mỏi mắt khi làm việc với các tài liệu văn bản trong thời gian dài. Tuy nhiên do trang bị màn hình 15,6 inch nhưng độ phân giải tối ưu chỉ đạt mức 1.366 x 768 pixel; tương đương với màn hình 13,3 inch nên độ sắc nét và chi tiết hình ảnh hiển thị kém hơn so với màn hình 13,3 inch. Góc nhìn màn hình chỉ ở mức trung bình, trong đó góc nhìn dọc hẹp hơn đáng kể so với góc nhìn ngang đã phần nào ảnh hưởng phần nào đến việc chia sẻ nội dung hiển thị hoặc khi làm việc cộng tác.
Bàn phím có cả nhóm phím số bên phải, tuy nhiên độ nhạy phím chỉ ở mức trung bình, ảnh hưởng đến "cảm giác phím" khi gõ văn bản với tốc độ nhanh.
Điểm cộng của E1-571 là bàn phím “full size” hỗ trợ đầy đủ các phím cơ bản và cả nhóm phím số (numeric keypad) bên phải, tiện dụng hơn cho người dùng trong việc nhập số liệu. Trừ nhóm phím điều hướng khá nhỏ thì những phím nhấn còn lại kích thước lớn, khoảng cách giữa các phím hợp lý, phù hợp với cả người dùng có cỡ tay lớn.
Kích thước touchpad khá nhỏ do hai phím trái, phải chuột và scroll pad thiết kế rời. Touchpad hỗ trợ cảm ứng đa điểm, bề mặt hơi nhám tạo độ ma sát khiến chuột di chuyển dù không nhanh nhưng vẫn đạt được độ chính xác cao.
Thử nghiệm với cấu hình trang bị bộ xử lý Core i3-3110M (2,4 GHz, 3 MB smart cache), đồ họa tích hợp HD Graphics 4000, 2 GB RAM DDR3 bus 1.600 MHz, HDD 500 GB giao tiếp SATA 3Gb/giây.
Kết quả bên dưới cho thấy hiệu năng tổng thể E1-571 chỉ đạt mức trung bình. Khả năng xử lý của đồ họa tích hợp HD Graphics 4000 trong bộ xử lý Core i3 chỉ bằng khoảng 50% so với Core i5 nên máy không thích hợp để chạy những ứng dụng yêu cầu cao về đồ họa. Tuy nhiên nếu xét ở mức giá khoảng 8 triệu cùng các yếu tố khác như màn hình cỡ lớn, thời gian dùng pin khá tốt và Windows 8 bản quyền thì Aspire E1-571 vẫn là một trong những lựa chọn hấp dẫn, phù hợp với học sinh, sinh viên và cả người dùng văn phòng.
Với công cụ đánh giá tổng thể hiệu năng hệ thống, cấu hình thử nghiệm đạt 2.259 điểm PCMark 7, cao hơn một chút so với mẫu Asus X401A Số Hóa từng thử nghiệm. Thử nghiệm khả năng xử lý đồ họa với công cụ 3DMark 11, thiết lập cấu hình Performance.
Khả năng xử lý đồ họa khá khiêm tốn với 354 điểm Graphic và 412 điểm hiệu năng tổng thể 3DMark 11.
Tốc độ truy xuất dữ liệu
Việc trang bị ổ cứng truyền thống (HDD) đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu năng tổng thể hệ thống. Chẳng hạn qua phép thử ATTO Disk Benchmark, tốc độ truy xuất dữ liệu cao nhất của phân vùng hệ thống là 106,4 MB/giây (ghi) và 108,6 MB/giây (đọc). Kết quả PCMark 05 đo tốc độ truy xuất của ổ cứng trong môi trường giả lập cho thấy tốc độ khởi chạy ứng dụng chỉ đạt 5,2 MB/giây, quét virus đạt 89,2 MB/giây. Tương tự với PCMark 8, tốc độ truy xuất của ổ cứng đạt 5,94 MB/giây, tương đương 1.865 điểm.
Thời gian dùng pin
Về thời gian dùng pin ghi nhận qua công cụ MobileMark 2007, cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình tối đa (100%), E1-571 đạt 4 giờ 52 phút trong phép thử Productivity. Cũng với cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình tối đa, thời lượng dùng pin mẫu laptop này đạt khoảng 3 giờ 20 trình chiếu phim ảnh liên tục, tương đương mẫu Dell Vostro 5460 (link) trong cùng phép thử.
Khả năng tản nhiệt
Bên cạnh các phép đánh giá hiệu năng trên, Số Hóa cũng ghi nhận khả năng tản nhiệt của máy trong môi trường có nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C. Máy hoạt động êm, hệ thống tản nhiệt hiệu quả khi chạy ứng dụng văn phòng cũng như trong các tác vụ xử lý đồ họa, game nặng khi nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý và đồ họa tích hợp trong phép thử 3DMark 11 dao động ở mức 67 độ C.
đang được dịch, vui lòng đợi..