Để chủ động kiểm soát tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các mục tiêu chính sách tiền tệ, ngày 16/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 187/2008/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, từ tháng 2/2008, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi sẽ tăng lên 1 đơn vị phần trăm so với quy định hiện nay. Ngoài việc áp dụng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 24 tháng trở xuống, Ngân hàng Nhà nước còn quy định mở rộng diện các loại tiền gửi phải dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với các loại tiền gửi so với tỷ lệ quy định hiện nay. Cụ thể, đối với tiền VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được tăng từ 10% lên 11%, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được tăng từ 4% lên 5%. Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng từ 4% lên 5%. Trong quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn (Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, ngân hàng hợp tác). Điều này là nhằm hỗ trợ các TCTD này mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thay đổi cơ chế và tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa áp dụng ngay trong tháng 1/2008 mà có hiệu lực thi hành kể từ tháng 2/2008, nhằm tạo điều kiện cho các TCTD chuẩn bị vốn để dự trữ bắt buộc. Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc nhằm rút bớt tiền từ lưu thông về, chủ động kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Đối với các TCTD, việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc lần này, mặc dù có thể làm tăng chi phí huy động vốn nhưng chỉ ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD ít có khả năng tăng do chệch lệch lãi suất của các TCTD tương đối cao. Ngay sau khi nhận được thông tin về Quyết định điều chỉnh dự trữ bắt buộc, các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã trao đổi với đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước và cho biết, sẽ tiết kiệm chi phí quản lý và không tăng lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát các diễn biến của thị trường tiền tệ để áp dụng kịp thời các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thích hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ.
đang được dịch, vui lòng đợi..