Sách Sáng thế chương thứ nhất, câu 26 viết rằng: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển và chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
Con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, hình ảnh của Đấng sáng tạo, của Đấng luôn “lao động”: suốt 5 ngày trước khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa không ngưng nghỉ việc sáng tạo trời đất, trăng sao tinh tú, chim trời cá biển, cỏ cây sông núi… . Vậy nên, một khi chúng ta thực hiện “quyền” lao động (lao động để trở thành người cai quản những thụ tạo do Thiên Chúa trao ban cho chúng ta) là chúng ta ngày càng trở nên giống Thiên Chúa hơn!
Thánh Giuse được đặt làm chủ của gia đình Nazareth, chắc chắn người cũng đã phải đổ biết bao mồ hôi để nuôi sống Mẹ Maria và trẻ thơ Giêsu. Thế nhưng, những vất vả lao nhọc đó không chỉ dừng lại việc kiếm miếng cơm manh áo, kiếm một chút lợi lộc vật chất đời tạm này, mà còn được thăng hoa lên một cung bậc cao hơn: làm để phụng sự Thiên Chúa, được diễn tả qua việc chăm sóc, nuôi dưỡng chính Con Một của Thiên Chúa!
Sự lao động đối với Đức Giêsu còn có một giá trị lớn lao hơn nữa, Ngài tuyên bố trong Tin Mừng hôm nay rằng: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi” (Ga 10,25). Như thế, lao động được nâng cao trên bình diện thiêng liêng, không còn là lao động để kiếm cơm ăn áo mặc, cũng không chỉ là để phụng sự Thiên Chúa, mà đích thực là làm chứng về chính Thiên Chúa. Bất cứ việc làm nào, hành động nào, công việc nào chúng ta nhân danh Thiên Chúa mà thực hiện, thì chúng đều có giá trị để làm chứng về Thiên Chúa.
Lý do mừng lễ có khác với mục tiêu của ngày quốc tế lao động 1-5: người ta đấu tranh làm sao để giảm bớt giờ làm, làm sao để điều kiện lao động được tốt hơn, nghĩa là người ta chú trọng đến “sự lao động” của con người, trong khi đó ngày lễ kính Thánh Giuse thợ hôm nay, một lần nữa Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: con người thì đáng coi trọng hơn sự lao động, bởi lẽ con người lao động để trở nên giống Thiên Chúa, để nên chứng nhân, nên hình ảnh của Thiên Chúa giữa cuộc đời này.
Ý nghĩa đích thực của lao động, theo niềm tin Kitô giáo, là: lao động để cùng với Thiên Chúa cai quản thế giới, lao động để phụng sự Thiên Chúa và lao động để tôn vinh và làm chứng về Thiên Chúa!
Phải chăng chỉ trong lao động, con người mới thực sự nên giống Thiên Chúa? Nếu vậy, con người phải lao động cật lực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, liên tục “24/7, 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần”?
Thưa không, xin hãy nhớ Lời Chúa: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2,1-3).
Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano có chủ đề là “Gia Đình: công việc và ngày lễ”. Đại hội nhấn mạnh tới giá trị của công việc, của lao động nhưng đồng thời cũng đề cao lợi ích của sự nghỉ ngơi đối với gia đình, cách riêng đối với từng thành viên trong gia đình: ngày lễ là thời gian để dành cho gia đình, cho Thiên Chúa và cho cộng đoàn.
“Người ta không chỉ nghỉ ngơi để trở lại với công việc, mà để mừng lễ. Thật thích hợp lúc này hơn bao giờ hết gia đình cần khám phá lại ngày nghỉ lễ như là nơi để gặp gỡ Chúa và gần gũi nhau, bằng cách tạo ra bầu khí gia đình, nhất là, khi con cái còn nhỏ. Bầu khí sống những năm đầu đời tại nhà cha mẹ vẫn được khắc ghi mãi trong ký ức của con người. Cũng như những hành vi đức tin vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ hàng năm phải đánh dấu đời sống gia đình, trong nhà và trong việc tham gia vào đời sống cộng đoàn. Người ta nói rằng “không phải dân Do Thái giữ ngày sabat cho bằng ngày sabat giữ gìn dân Do thái”. Như thế, ngay cả ngày Chúa nhật Kitô giáo cũng gìn giữ gia đình và cộng đoàn Kitô hữu mừng lễ, bởi vì nó mở ra cho ta gặp gỡ mầu nhiệm thánh về Thiên Chúa và canh tân các tương quan gia đình” (Bài giáo lý số 8: Ngày lễ: thời gian dành cho gia đình).
Nghỉ ngơi không còn là thời gian dưỡng sức để chuẩn bị lao vào sự tất bật và vất vả của công việc nữa, mà là thời gian quý giá để thiết lập và thắt chặt các mối tương quan: với Thiên Chúa là Cha chúng ta, với những người thân là gia đình của chúng ta và với những người chung quanh trong cộng đoàn là cộng đồng xã hội mà chúng ta đang sống.
Như thế, lao động và nghỉ ngơi là hai thành tố thiết yếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, ta lao động không phải chỉ vì lao động hay để có điều kiện tối thiểu duy trì sự sống. Cũng vậy, nghỉ ngơi không phải chỉ vì quá mệt mỏi cần phải có thời gian xả hơi, dưỡng sức cho những ngày vất vả kế tiếp; mà chúng ta có thể nói cách mạnh mẽ và xác tín rằng: lao động và nghỉ ngơi như là hai nhịp thở ra hít vào giúp con người nên giống Thiên Chúa, như Đức Giêsu - Đấng hằng làm việc theo thánh ý Chúa Cha - đã mạnh mẽ t