Mức biên độ này tương đối an toàn nếu được áp dụng trong thời điểm hiện tại vì nó giúp tỷ giá tránh khỏi những rủi ro khi VND có khả năng lên giá so với các đồng tiền nước ngoài, điều mà hiện tại sẽ có ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế vì hiện tại VND đang bị định giá quá cao.Thứ hai, việc NHNN trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có tới 2 lần điều chỉnh tỷ giá với tổng mức điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên tới 2% và nới rộng biên độ lên +/- 3% nhằm đối phó với chính sách phá giá đồng nhân dân tệ mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Mặc dù đã có chính sách phản ứng kịp thời (một cách bị động) theo chính sách phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, tuy nhiên có thể thấy, chính sách này dường như vẫn chưa đủ mạnh để thoát khỏi vòng vây tỷ giá của Trung Quốc. Lý do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa thực sự quyết đoán vì lo ngại vấn nạn đầu cơ khi VND bị mất giá trong thời gian vừa qua sẽ càng làm cho tỷ giá lao dốc. Tuy nhiên, chính vì chính sách cố gắng giữ không cho đồng tiền trong nước mất giá và lộ trình phá giá rụt rè sẽ càng ảnh hưởng tới kỳ vọng của người dân về sự mất giá lớn hơn của VND. Có thể nhận ra bài học đau đớn của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015, khi mất không 249 tỷ USD dự trữ ngoại hối với kỳ vọng sẽ tác động và xoa dịu thị trường để giữ tỷ giá khỏi xuống dốc. Với nền tảng vĩ mô mạnh mẽ khi sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lên tới 3900 tỷ USD (gấp khoảng 100 lần so với Việt Nam) nhưng Trung Quốc cũng không thể nào chống lại quy luật của thị trường. Từ bài học của Trung Quốc và mục tiêu giảm giá trị thực của VND trong thời điểm hiện tại, vô hình chung xuất hiện một điểm tương đồng trong điều hành chính sách tỷ giá ở Việt Nam đó là: Việt Nam cần phải phá giá đồng tiền mạnh hơn Trung Quốc, điều này sẽ giúp Việt Nam tránh khỏi một cuộc tấn công tiền tệ trong điều kiện nền tảng vĩ mô tương đối yếu kém đồng thời giúp giảm giá trị của VND và đưa tỷ giá thực REER quay trở về trạng thái cân bằng. Đây là chính sách tỷ giá duy nhất trong thời điểm hiện tại tuân theo quy luật của thị trường, những lo lắng về sự mất giá tại thời điểm hiện tại sẽ được xoa dịu trong tương lai khi thị trường sẽ đưa tỷ giá trở về mức cân bằng (VND sẽ được nâng giá trở lại). Thứ ba, theo quan điểm trong bài nghiên cứu này, nếu thực hiện chính sách tỷ giá theo trình tự trên sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi cơ chế điều chỉnh tỷ giá một cách bị động được dẫn dắt bởi Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Khi cú sốc dần qua đi, NHNN nên tiến hành điều chỉnh lại tỷ giá theo cơ chế “trườn bò”, từ từ và chậm rãi. Điều này vừa tạo thế chủ động và linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá, vừa có thể kịp thời điều chỉnh theo tín hiệu của thị trường chứ không nên tuyên bố phá giá hay nâng giá với cường độ mạnh ngay lập tức (theo cơ chế “giật cục”) vì có thể sẽ hình thành tâm lý bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Cuối cùng, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quy mô cung tiền (M2) là biến số quan trọng giúp giải thích những sai lệch trong tỷ giá thực. Theo tính toán của tác giả, để tỷ giá thực quay trở về vị trí cân bằng, NHNN cần tăng quy mô mức cung tiền lên 2.5%. Mức tăng này không phải sẽ làm tỷ giá thực gắn chặt ngay vào tỷ giá hiệu lực cân bằng nhưng sẽ là chính sách nhằm giảm thiểu đáng kể mức độ sai lệch của tỷ giá trong thời điểm hiện tại.
đang được dịch, vui lòng đợi..