Bắt đầu từ cuối năm 2009, niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ Hy Lạp bắt đầu bị lung lay khi vào tháng 10, chính phủ mới do Thủ tướng George Papandreou lãnh đạo đưa ra con số ước tính thâm hụt ngân sách mới cho năm 2009 là 12,7% GDP, gần gấp đôi con số ước tính hiện tại lúc đó là 6,7%. Lập tức công bố này đã khiến cho trái phiếu chính phủ Hy Lạp bị ba tổ chức định mức tín dụng lớn của thế giới đánh tụt hạng. Tới cuối tháng 11, thì những lo ngại về tình trạng vỡ nợ của Dubai World lại dấy lên những quan ngại về khả năng xảy ra tình trạng vỡ nợ quốc gia hàng loạt của các chính phủ dưới sức ép của khủng hoảng tài chính, trong đó Hy Lạp với những khoản nợ nước ngoài lớn đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Những nghi ngờ về việc chính phủ Hy Lạp đã làm sai lệch số liệu thống kê và cố tình che giấu mức độ nợ thật sự nhờ vào các công cụ tài chính phức tạp đã khiến các nhà đầu tư giảm sút lòng tin nặng nề vào quốc gia này. Trước khủng hoảng, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hy Lạp cao hơn từ 10 đến 40 điểm cơ sở so với trái phiếu cùng kỳ hạn của Đức thì khi khủng hoảng nợ nổ ra, khoảng cách này tăng lên tới 400 điểm cơ sở vào tháng 01/2010, mức kỷ lục bấy giờ. Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng xung quanh nền kinh tế Hy Lạp, chính phủ nước này vẫn tiếp tục thành công trong việc bán ra 8 tỷ euro (tương đương 10,6 tỷ đô la Mỹ) trái phiếu vào cuối tháng 01/2010, 5 tỷ euro (6,7 tỷ đô la Mỹ) vào cuối tháng 3 và 1,56 tỷ euro (2,07 tỷ đô la Mỹ) vào giữa tháng 4, tất nhiên với mức lãi suất rất cao. Tuy nhiên số tiền này vẫn chưa đủ, Hy Lạp vẫn cần phải vay mượn thêm khoảng 54 tỷ euro (71,8 tỷ đô la Mỹ) để chi trả cho các khoản nợ và lãi phải trả đến hạn của mình và người ta bắt đầu lo ngại về khả năng của chính phủ trong việc xoay xở với số tiền này.Sự nghi ngờ của giới đầu tư lên đến đỉnh điểm lần nữa vào tháng 4/2010 khi Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ước tính về thâm hụt ngân sách của Hy Lạp. Với con số 13,6% GDP, ước tính của Eurostat cao hơn hẳn so với con số ước tính được chính phủ Hy Lạp đưa ra trước đó vào tháng 10/2009. Điều này lặp lại một câu hỏi về khả năng trả nợ của Hy Lạp với 8,5 tỷ euro (11,1 tỷ đô la Mỹ) đến hạn vào giữa tháng 5/2010.Đến ngày 23/4/2010, chính phủ Hy Lạp đã phải chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone khác. Sau cuộc họp diễn ra ở Brussels tối 2/5, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định khởi động cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp. Theo đó, Hy Lạp sẽ được hỗ trợ 110 tỷ euro trong vòng 3 năm với mức lãi suất bình quân ưu đãi là 5%, trong đó các nước thuộc Eurozone bỏ ra 80 tỷ euro và 30 tỷ còn lại sẽ do IMF đảm nhận. Đổi lại, Hy Lạp phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 11% GDP và xuống dưới mức quy định 3% của EU vào năm 2013.
đang được dịch, vui lòng đợi..