Một là, mô hình tổ chức Quản lý thị trường cắt khúc như hiện nay chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động của quản lý thị trường các cấpViệc xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chưa được thực hiện một cách đồng bộ và kịp thời giữa các cấp, dẫn đến kết quả đấu tranh trên phạm vi toàn quốc chưa ngang tầm với nhiệm vụ, chức trách được giao.Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Kiểm tra, kiểm soát nắm bắt diễn biến thị trường, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường là hoạt động thường xuyên và diễn ra trên địa bàn cả nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy hoạt động này ở mỗi địa phương là khác nhau về mức độ, tần suất, hiệu quả... và có sự cắt khúc giữa các địa phương dẫn tới có lúc, có nơi chưa giải quyết kịp thời những phát sinh đột xuất, phức tạp của thị trường hàng hóa nên phần nào ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường. Trong điều kiện ngày càng nhiều các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi diễn ra trên địa bàn liên tỉnh, toàn quốc, việc tổ chức phối hợp, điều động lực lượng tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm này gặp nhiều khó khăn, công tác phối hợp giữa Quản lý thị trường các cấp chưa chặt chẽ, kịp thời; hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường bị cô lập, cắt khúc theo địa giới hành chính trong khi thị trường là liên thông. Đối với các vụ việc phức tạp, có tổ chức, diễn ra trên địa bàn liên tỉnh đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm giữa Quản lý thị trường của các tỉnh.Vì vậy, để giải quyết được các bất cập nêu trên góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi cần có sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.Hai là, với mô hình tổ chức cơ quan Quản lý thị trường theo địa bàn hành chính hiện nay, những quy định hiện hành về tổ chức, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác của công chức Quản lý thị trường chưa được tuân thủ một cách đầy đủ ảnh hưởng đến trách nhiệm thực thi công vụ và khả năng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.Mặc dù nhu cầu chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ công chức ngày càng cấp thiết nhưng việc quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ công chức quản lý thị trường ở địa phương mỗi nơi mỗi khác và không theo kịp định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và những đòi hỏi phát sinh từ thực tiễn phát triển của kinh tế thị trường. Về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, trên cơ sở quy định chung, Nghị định số 10/CP, Nghị định số 27/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về thẩm quyền thành lập đơn vị; điều kiện, tiêu chuẩn xem xét, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển công chức. Tuy nhiên, trong nhiều năm tình trạng áp dụng, thực hiện quy định này không thống nhất như cùng một tổ chức là Đội Quản lý thị trường hay một chức danh lãnh đạo Quản lý thị trường địa phương có tỉnh thì do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định hoặc thành lập, có nơi thì do Sở Công Thương ra quyết định hoặc thành lập; hay tình trạng một chức danh cấp Phòng, Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục, có nơi do Giám đốc Sở Công Thương bổ nhiệm, điều động công tác, có nơi do Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường bổ nhiệm, điều động... Việc thực hiện luân chuyển công chức theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ chỉ được tiến hành trong phạm vi nội bộ Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên phần nào hạn chế đến mục đích chủ động phòng ngừa tham nhũng tiêu cực trong toàn lực lượng. Tại một số địa phương xuất hiện những biểu hiện bảo kê, tiêu cực của công chức Quản lý thị trường trong thực thi công vụ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Quản lý thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Ba là, mô hình tổ chức hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phối hợp lực lượng và hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm gia tăng thêm nhiều hành vi vi phạm của thương nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cùng với sự liên kết chặt chẽ của thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có sự phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường Việt Nam với các nước bạn, đặc biệt là các nước có chung biên giới trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ xác minh đối tượng, phối hợp đấu tranh phòng, chống vi phạm, ngăn chặn các tổ chức hoạt động trên địa bàn liên quốc gia đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong cung cấp thông tin và phối hợp hành động. Bên cạnh đó, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường giữ vai trò chủ công, thường xuyên phải phối hợp nhiều lực lượng như: Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế... Mặc dù vậy, do mô hình tổ chức chưa phù hợp và địa vị pháp lý chưa tương xứng nên hiệu quả công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành kiểm tra kiểm soát thị trường và đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật thương mại giữa Quản lý thị trường và các lực lược chức năng còn nhiều hạn chế.
Như vậy, đánh giá từ các khía cạnh địa vị pháp lý và thực tiễn hoạt động, so với các cơ quan, lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm pháp luật thương mại ở thị trường trong nước, hệ thống cơ quan Quản lý thị trường nếu được hoàn thiện, củng cố sẽ nâng cao vị thế, có vị trí tương xứng với các cơ quan, lực lượng chức năng khác trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về thương mại ở thị trường trong nước.
Chính vì vậy, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu và đáng khích lệ nhưng mô hình tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường hiện nay đã và đang bộc lộ những bất cập, chưa thích ứng và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng Quản lý thị trường hoạt động phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ, chưa được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ trung ương đến địa phương, làm phân tán lực lượng, tính cơ động không cao, hạn chế công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, không tạo được sự tập trung quản lý, chỉ đạo, điều hành thông suốt trong toàn ngành, đặc biệt là khả năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.
Trước những bất cập nêu trên và yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng Quản lý thị trường theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương để có được sức mạnh mới, sẵn sàng thực hiện và làm tốt nhất trách nhiệm của mình trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế, thị trường ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
đang được dịch, vui lòng đợi..