Về đời sống xã hội, qua nhiều bài kinh cụ thể là bài kinh Kutadanta chúng ta cũng thấy Đức Phật luôn khuyến khích tinh thần phụng sự, cống hiến, làm lợi ích chúng sinh, Ngài dạy các đệ tử tại gia ngoài việc học pháp, hành pháp, tinh tấn tu tập chuyển hóa nội tâm, sống đời sống hướng thượng, cần nên tích cực tham gia các hoạt động công ích, vì lợi lạc tha nhân. Chẳng hạn như trong Tương Ưng Bộ kinh I, chương I: Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng, Đức Phật dạy: “Ai trồng vườn, trồng rừng/ Ai dựng xây cầu cống/ Đào giếng, cho nước uống/ Những ai cho nhà cửa/ Những vị ấy ngày đêm/ Công đức luôn tăng trưởng”.Về phương diện lãnh đạo tập thể, quản lý và điều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy bốn pháp nhiếp hóa (Tứ nhiếp pháp) được xem là nghệ thuật quản trị đắc nhân tâm, gồm có: Bố thí nhiếp (bố thí, từ thiện, đem lại lợi ích cho người khác, cho tập thể, tổ chức; đáp ứng nhu cầu đời sống, nhu cầu công việc, giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết khó khăn…); Ái ngữ nhiếp (dùng lời lẽ khéo léo nhưng chân thành, nhu hòa, từ ái để thuyết phục, chia sẻ, động viên, khích lệ…); Lợi hành (tích cực làm lợi ích cho tập thể, tổ chức); Đồng sự (đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với đồng nghiệp, với những người cùng chí hướng, với những người cùng gánh vác trách nhiệm chung trong tập thể, tổ chức; không lánh nặng tìm nhẹ, ngồi mát ăn bát vàng; không phân biệt đối xử; không quản lý, điều hành theo kiểu quan liêu, không có tác phong quan liêu, kiêu căng, hách dịch). Bốn phương pháp này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo.
đang được dịch, vui lòng đợi..