Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ. Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hoá riêng có của đồng bào Mông.Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lò rèn phải làm lễ đóng lò, cối xay ngô tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu.Trước đây, người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt và rượu và bánh ngô. Trong ngày Tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dầy được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người Mông làm ra. Vào những ngày Tết, tuỳ thuộc vào mỗi xóm, bản, người Mông lại tổ chức thi giã bánh dầy. Nhà nào làm được bánh dầy vừa dẻo, vừa thơm, lại đẹp thì sẽ được thưởng. Phần thưởng có khi chỉ là những tiếng vỗ tay, hoặc chính mâm bánh dầy đó. Nowng quý nhất vẫn là phần thưởng được mọi người bình bầu là gia đình khéo tay.Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.Các nhóm Mông có phong tục hơi khác nhau, nhưng về đại thể đều rất quan trọng lúc cúng ma nhà bằng lợn và gà sống vào tối 30. Từ mùng 1 trở đi họ mặc quần áo mới, đi hài đi chơi. Ném papao là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích; ngoài ra còn múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ...Đặc biệt, nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hay chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội. Hội Gầu tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông cũng được mở ra.
đang được dịch, vui lòng đợi..