Thứ hai, đã có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc của Tòa án nước thứ ba đã được Việt Nam công nhận và cho thi hành (khoản 4 Điều 356). Điều này có nghĩa là nếu Tòa án Việt Nam mới chỉ thụ lý và chưa ra bản án có hiệu lực pháp luật thì bản án, quyết định nước ngoài vẫn được xem xét công nhận và cho thi hành. Ở đây có thể thấy quy định của điều luật không đặt ra vấn đề Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không theo quy định của pháp luật Việt Nam mà mặc nhiên công nhận rằng Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết và thẩm quyền này được chấp nhận tại Việt Nam. Điều này là hợp lý bởi lẽ việc xét Tòa án nước ngoài có thẩm quyền hay không là công việc không đơn giản. Vả lại, ranh giới giữa kiểm tra thẩm quyền của Tòa án nước ngoài và xét lại vụ việc đôi khi quá mỏng manh. Tuy nhiên, việc mặc nhiên thừa nhận thẩm quyền giải quyết của Tòa án nước ngoài đối với một vụ việc mà bản án phải thi hành tại Việt Nam rất dễ dẫn đến khả năng trái với các lợi ích cơ bản hoặc trật tự công cộng của Việt Nam hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Thực tế cũng đã có những quy định về xem xét thẩm quyền của Tòa án nước ngoài như là một điều kiện công nhận và cho thi hành. Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp năm 1999 có quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án của nước ký kết này được công nhận và có thể được cho thi hành trên lãnh thổ của nước ký kết kia nếu hội đủ các điều kiện sau đây: 1. Là bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật của nước ký kết được yêu cầu”. Tuy nhiên, đây là quy định trong một hiệp định song phương và không thể đưa vào quy định của pháp luật Việt Nam để áp dụng đối với tất cả các trường hợp như vừa phân tích ở trên.
đang được dịch, vui lòng đợi..